Những thách thức từ yếu tố bất định hơn của kinh tế toàn cầu cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc ADB dự báo tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống trong 2020 (xuống 6,7%) trong khi lạm phát tăng cao hơn (lên 3,8%).
Các chuyên gia của ADB công bố báo cáo
Tăng trưởng duy trì, lạm phát sẽ trong tầm kiểm soát
Dự báo này được đưa ra tại Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019 của ADB. So với mức tăng trưởng GDP thực của năm 2018 (7,08%), tốc độ tăng trưởng dự báo năm nay cho thấy sự suy giảm nhẹ nhưng vẫn không thay đổi so với lần cập nhật dự báo gần nhất của tổ chức này. Đề cập chi tiết hơn về dự báo này tại buổi họp báo công bố ADO ngày 3/4, ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia kinh tế của ADB cho biết, các cơ sở quan trọng để tăng trưởng năm nay có thể đạt mức 6,8% là các động lực tăng trưởng trong năm 2018 (đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào tốt, công nghiệp chế biến chế tạo hàng xuất khẩu tăng mạnh, tiêu dùng trong nước mạnh, tỷ giá ổn định) sẽ vẫn cơ bản được duy trì trong năm nay.
“Tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực, dựa trên cơ sở tiêu dùng nội địa cao, luồng vốn FDI vào mạnh, sự tiếp tục mở rộng của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp và khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua rất nhiều FTA, trong đó có CPTPP vừa có hiệu lực”, chuyên gia này nhận định. Chia sẻ quan điểm trên, ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam bổ sung thêm, động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân.
Xét theo ngành kinh tế, ADO dự báo tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng sẽ chậm lại song vẫn được duy trì ở mức khá mạnh, với luồng vốn FDI vào đáng kể và chủ yếu đổ vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu. Chỉ số quản trị mua hàng cho thấy xu hướng gia tăng đơn hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tác cũng cho thấy xu hướng này. Trong khi đó, khu vực dịch vụ trong năm 2019 sẽ được hưởng lợi nhờ thương mại bán buôn và bán lẻ cũng như lĩnh vực tài chính – ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt. Số lượt khách du lịch đến Việt Nam dự báo sẽ tăng 16%/năm trong cả năm nay và năm sau. Mặc dù mức tăng này có chậm lại so với năm 2018, nhưng đây vẫn là nguồn hỗ trợ tốt cho các hoạt động kinh tế liên quan đến du lịch như khách sạn, nhà hàng và giao thông vận tải. Ngoài ra, ngành nông nghiệp dự báo cũng sẽ tăng trưởng sát với mục tiêu Chính phủ đề ra.
Bên cạnh đó, do kỳ vọng các tác động từ bên ngoài đến lạm phát trong nước giảm (Fed đưa ra thông điệp sẽ không tăng lãi suất chính sách trong năm 2019, dự báo giá dầu và hàng hóa cơ bản trên thế giới giảm…) nên sẽ giúp giảm áp lực đối với lạm phát và tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên ở trong nước, việc tăng giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế và lương tối thiểu có thể làm tăng áp lực lạm phát một cách ngắn hạn. Với các tác động bù trừ trên, ADB dự báo lạm phát năm nay sẽ vẫn ở khoảng 3,5% như năm 2018.
Dự báo tăng trưởng GDP của ADB
Tránh tụt hậu trong tham gia chuỗi giá trị
Tuy nhiên, các nguy cơ và rủi ro vẫn hiện hữu. Trong đó, ADB nhận định các rủi ro đối với tăng trưởng và lạm phát năm nay cũng như năm tới chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan, bên ngoài. “Những rủi ro chính đối với kinh tế Việt Nam xuất phát từ bên ngoài. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn của thế giới (Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản) – vốn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam – có thể giảm mạnh hơn, cộng hưởng với những căng thẳng thương mại có thể khiến nhu cầu thương mại toàn cầu giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực nên có thể sẽ chịu những tác động”, ông Cường cảnh báo.
Theo ADO, nếu hoạt động xuất khẩu giảm sút do nhu cầu thế giới giảm, sẽ khiến thặng dư tài khoản vãng lai thu hẹp hơn, dự kiến xuống mức tương đương 2,5% GDP trong năm nay, và tiếp tục xuống 2,0% trong năm 2020. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi cũng có thể tác động đến nguồn kiều hối. Những thách thức từ yếu tố bất định hơn của kinh tế toàn cầu cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc ADB dự báo tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống trong 2020 (xuống 6,7%) trong khi lạm phát tăng cao hơn (lên 3,8%).
Trong khi đó ở trong nước, ADB nhận định việc chậm trễ trong tiến trình cải cách các DNNN có thể là lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng. Nhắc lại kết quả cổ phần hoá DNNN trong năm 2018 thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra, ADB cho rằng việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước trong năm 2018 kỳ vọng sẽ đảm bảo sử dụng vốn một cách hiệu quả hơn, giúp giảm thiểu những mâu thuẫn phát sinh từ việc Nhà nước đóng vai trò kép – vừa là chủ sở hữu, vừa là cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, một thách thức được ADO lần này chỉ ra là nguy cơ tụt hậu trong tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (CGTTC) của các DN, đặc biệt là các DNNVV. Theo đó, việc mở cửa, tham gia vào hàng loạt các FTA đã giúp kinh tế Việt Nam hội nhập vào CGTTC. Tuy nhiên, tham gia vào CGTTC mới chủ yếu dựa vào các DN FDI trong khi các DNNVV nội địa – đóng góp khoảng gần một nửa GDP – thì số lượng tham gia được vào CGTTC còn rất khiêm tốn.
“Chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đồng đều của các DNNVV là rào cản chính ngăn DN hội nhập với CGTTC. Vấn đề này đặc biệt đáng quan tâm, trong bối cảnh các thị trường quốc tế ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch, môi trường và sức khoẻ”, ADO cho biết. Một nghiên cứu gần đây của WB cho thấy, DNNVV ở Việt Nam mới chủ yếu coi việc đổi mới sản phẩm là một cách để giảm chi phí chứ không phải để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, có rất ít DNNVV mua sắm, ứng dụng các công nghệ mới. Hay một khảo sát mới đây của ManpowerGroup cho thấy, chỉ có 11% DN Việt Nam có thể cung cấp được các kỹ năng cần thiết để tham gia vào CGTTC. Điều này phản ánh tình trạng các DN đang rất thiếu lực lượng lao động có kỹ năng cần thiết.
Trong khi đó, kỷ nguyên phát triển dựa trên “chi phí thấp, kỹ năng thấp” của Việt Nam dường như đã qua, và Việt Nam phải trở thành một nền kinh tế dựa trên kỹ năng cao. Theo ADB, để giải quyết được những căn nguyên gốc rễ của vấn đề chất lượng sản phẩm không đồng đều, các chính sách cần khuyến khích và hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ mới, và trên hết là đổi mới sáng tạo ở trong nước. “Việc phát triển các kỹ năng cần thiết đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện và đồng bộ với sự vào cuộc của Chính phủ, cơ sở đào tạo và DN tư nhân để cung cấp các dịch vụ đào tạo chuyên môn, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu. Nếu không cải thiện được khả năng tiếp cận vốn và kỹ năng, DNNVV sẽ tiếp tục tụt hậu trên con đường hội nhập vào CGTTC”, báo cáo ADO cảnh báo.
Theo Thoibaonganhang.vn